Dân trí: Với mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi mới được áp dụng, người tiêu dùng kỳ vọng sẽ được dùng hàng Nhật với mức giá rẻ hơn nhưng cũng nhiều ý kiến lo ngại doanh nghiệp trong nước sẽ phải đối mặt với nhiều cạnh tranh hơn.
Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản giai đoạn 2012-2015 và Hiệp định đối tác kinh té toàn diện ASEAN – Nhật Bản giai đoạn 2015-2019.
Theo đó, từ 1/4, sẽ có 3.234 mặt hàng nhập khẩu từ Nhật Bản vào Việt Nam sẽ có mức thuế suất 0%. Các dòng thuế có thuế suất 0% tập trung chủ yếu ở các nhóm hàng như: chất dẻo nguyên liệu, máy móc thiết bị, máy vi tính, sản phẩm điện tử, nguyên phụ liệu dệt may, da giày… Theo lộ trình từ nay đến năm 2019, cũng sẽ có thêm nhiều mặt hàng khác từ Nhật Bản vào Việt Nam sẽ được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu về 0%.
Người tiêu dùng trong nước vốn rất ưa chuộng hàng Nhật bởi dù mặt bằng giá cả tương đối cao nhưng đổi lại sẽ yên tâm hơn về chất lượng. Với mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi mới được áp dụng, người tiêu dùng trong nước kỳ vọng sẽ được sử dụng nhiều hơn những sản phẩm, hàng hoá từ Nhật Bản với giá rẻ hơn.
Anh N.T.D (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thường phải nhờ người quen mua máy tính hoặc điện thoại xách tay từ Nhật Bản về. Tuy giá mềm hơn nhưng lại mất thời gian chờ đợi khá lâu từ 2-3 tuần. Giờ thuế giảm, giá hàng nhập về có cơ hội giảm, tôi cũng sẽ tính tới mua hàng nhập chính ngạch. Chỉ hy vọng nhà phân phối sẽ không tính thêm các khoản phí này phí kia khiến giá không những không giảm lại còn tăng”.
Đồng quan điểm, chị Đ.T.H (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, hàng Nhật mà được ưu đãi với mức thuế 0% như vậy thì người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi. “Ngoài ra, đây có thể cũng là một cơ hội để người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn, không phụ thuộc nhiều vào hàng Trung Quốc, Thái Lan nữa”, chị H nói.
Tuy nhiên, không phải ai cũng mang một tâm lý lạc quan như vậy! Có nhiều ý kiến lo ngại rằng khi hàng Nhật với chất lượng tốt, giả cả phù hợp tràn ngập trên kệ các siêu thị, trung tâm thương mại sẽ khiến cho chính những hàng hóa sản xuất trong nước bị “lép vế” bởi không thể cạnh tranh kịp.
“Khi tham gia một sân chơi chung, dù muốn dù không chúng ta cũng phải chấp nhận điều này. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu doanh nghiệp trong nước có theo kịp lộ trình cắt giảm thuế hay không? Chỉ lo là ngày càng nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất do không theo kịp chất lượng và giá cả với hàng ngoại nhập trong khi người dân thì luôn mang tâm ý sính ngoại, chuộng hàng ngoại”, giám đốc một doanh nghiệp sản xuất trong nước chia sẻ.
Trên thực tế, lo ngại cạnh tranh với hàng Nhật chỉ là một góc trong bối cảnh hội nhập chung. Hàng loạt các FTA theo thỏa thuận sẽ tăng tốc lộ trình giảm thuế giữa các thành viên đặt ra cho doanh nghiệp và hàng Việt một áp lực rất lớn. Trong một buổi lễ vinh danh hàng Việt chất lượng cao diễn ra một hai tuần trước đây, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ – ông Ngô Quý Việt, Tổng cục Trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thừa nhận, chất lượng hàng hóa của Việt Nam vẫn chỉ thuộc tốp sau tại khu vực ASEAN.
“Trong điều kiện càng khó khăn, các doanh nghiệp lại càng cần quan tâm tới việc cải tiến năng suất lao động, công nghệ, chất lượng dịch vụ, hàng hoá. Có như vậy, doanh nghiệp mới có thể lấy được lòng tin của người tiêu dùng, giúp doanh nghiệp đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước, nhất là sau khi hội nhập”, vị này khuyến nghị.
Hay nói một cách khác như TS Nguyễn Minh Phong, đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội với doanh nghiệp và hàng Việt. Để ứng phó, doanh nghiệp cần phải chủ động, chuẩn bị các kịch bản linh hoạt để ứng phó với thị trường cũng như điều chỉnh chiến lược kinh doanh, thay đổi cách nghĩ, cách làm, phải biết tận dụng tốn đa lợi thế cạnh tranh của mình, hạn chế tối đa nhập khẩu hàng kém chất lượng, giá rẻ… Đồng thời, vị chuyên gia cũng khuyến nghị các cấp các ngành luôn đồng hành và có các giải pháp hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp.
Phương Dung